Đi xe ga bao lâu thì cần bảo dưỡng và cần bảo dưỡng những gì?
Xe máy hay bất cứ máy móc nào cũng đều cần có sự bảo dưỡng định kỳ để có thể hoạt động tốt. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng xe ga vẫn chưa có thói quen chăm sóc xe.
Điều này không chỉ làm giảm hiệu năng của động cơ mà xét về dài hạn có thể gây ra những tổn hại nặng nề tới các chi tiết máy.
Để chiếc xe tay ga của mình luôn ở trong tình trạng vận hành tốt nhất, đây là những hạng mục bảo dưỡng mà bạn nên thực hiện định kỳ:
Thay dầu (nhớt) máy: 1.500 - 2.000 km/lần
Dầu máy quan trọng với động cơ không khác gì máu với cơ thể người. Dầu cho xe ga cần đạt tiêu chuẩn JASO MB (ma sát thấp) và được thay định kỳ mỗi 1.500 - 2.000 km.
Trong điều kiện hoạt động khắc nghiệt như tải nặng, đường đèo dốc, nắng nóng, bụi bặm, nên thay dầu sớm khoảng 500 km.
Trường hợp xe ngập nước, tốt nhất nên thay dầu cho xe ngay dù chưa tới hạn.
Dầu láp: 6.000 - 8.000 km/lần
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Xe ga sử dụng dây đai truyền động từ động cơ tới cầu sau, nơi mà các bánh răng sẽ tương tác để kéo bánh xe chạy. Dầu láp (dầu cầu, dầu hộp số) đảm bảo việc bôi trơn cho các bánh răng này.
Không thay dầu láp sẽ dẫn tới tình trạng khô, rơ, láp hú và giảm hiệu quả truyền động của động cơ. Nặng hơn có thể dẫn tới tình trạng vỡ bánh răng, mất truyền động.
Láp (cầu sau) của xe ga với các bánh răng truyền động. Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Dầu láp ít hao mòn, ít bẩn hơn và cũng đặc hơn nhiều so với dầu máy nên chỉ cần thay sau khoảng 3, 4 lần thay dầu máy. Tuy nhiên, tương tự dầu máy, cũng nên thay dầu láp sau mỗi lần xe bị ngập nước.
Nước làm mát: kiểm tra 5.000 km/lần, châm thêm 10.000 km/lần
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Đại bộ phận các mẫu xe tay ga hiện tại đều đã sử dụng chất lỏng để làm mát động cơ. Mặc dù chất lỏng này được tuần hoàn trong một hệ thống kính nhưng vẫn có thể xảy ra hao hụt do bốc hơi qua các đường ống cao su hay những điểm hở.
Ngoài việc theo dõi kim báo nhiệt (trên phần lớn xe tay ga) thì người dùng cũng có thể quan sát trực tiếp trên bình chứa để phát hiện khi nào cần thay nước làm mát. Trong điều kiện vận hành thông thường, nên châm thêm nước làm mát sau mỗi 10.000 km.
Lọc gió: 8.000 - 10.000 km/lần
Lọc gió mới. Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Nếu như dầu nhớt là máu thì lọc gió chính là lá phổi của xe. Lọc gió giúp lọc bụi bẩn trước khi đưa không khí vào hòa cùng xăng để tạo hỗn hợp cháy. Lọc gió quá bẩn sẽ khiến nhiên liệu phun vào không cháy hết, xe yếu, hụt hơi, thải ra khói đen.
Lọc gió cũ, bám bụi bẩn. Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Lọc gió cho xe ga thường là loại giấy được tẩm dầu, do đó thường được nhà sản xuất khuyến nghị là không nên vệ sinh mà chỉ thay. Vệ sinh có thể làm giảm tác dụng lọc bụi bẩn của lọc.
Nên kiểm tra để thay lọc gió sau mỗi 8.000 - 10.000 km. Ngoài ra, nên kiểm tra thường xuyên và thay lọc sớm nếu xe chạy nhiều trong khu vực không khí ô nhiễm.
Bugi: khoảng 8.000 - 10.000 km/lần
Một chiếc bugi mới. Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Bugi là bộ phận phát ra tia lửa điện giúp đốt cháy hỗn hợp nhiên liện trong buồng đốt, từ đó sinh công, giúp xe di chuyển. Bugi hao mòn và bị bẩn theo thời gian, gây hiện tượng đánh lửa không đều, cháy không hết, tốn nhiên liệu và giảm công suất máy.
Bugi là một bộ phận có thể vệ sinh nhưng thường không mang lại hiệu quả thực sự. Một chiếc bugi thông thường có thể chạy được tới vài chục nghìn km mới "chết" hẳn, nhưng chỉ sau khoảng 10.000 km, bugi cũng đã hao mòn nhiều, hoạt động kém hiệu quả, gây tốn xăng nóng máy.
Ngay cả khi bugi không có dấu hiệu hỏng hóc vẫn nên thay định kì. Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Một số loại bugi với đầu làm bằng kim loại cao cấp như platinum hay iridium có thể hoạt động tốt trong phạm vi cao hơn, nhưng với bugi thông thường, người dùng nên thay sau 8.000 - 10.000 km để có hiệu quả hoạt động tốt nhất.
Côn & dây cu-roa: kiểm tra mỗi 8.000 km, thay mới 15.000 - 20.000 km/lần
Hệ thống truyền động bằng côn và dây đai của xe ga.
Bộ phận truyền động chính của xe ga là hệ thống côn và dây cu-roa (dây đai). Đây là những bộ phận chịu ma sát, chịu lực căng lớn và thường xuyên ở trong tình trạng nhiệt độ cao, bụi bẩn. Do đó cần kiểm tra định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Bộ côn hay dây cu-roa mòn đều dẫn tới tình trạng xe "gào", máy nóng, đi ì. Nặng hơn có thể dẫn tới tình trạng đứt dây cu-roa, kẹt bi côn, gây hỏng hoàn toàn các bộ phận này.
Việc kiểm tra và thay thế định kỳ các chi tiết này là hết sức cần thiết, do những hỏng hóc ở côn hay dây đai ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng di chuyển của xe. Ngoài thời gian định kỳ nói trên, bạn nên kiểm tra bất cứ khi nào thấy xe có dấu hiệu "gào" máy, ì xe.
Dây cu-roa quá dão và bị đứt. Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Thay dầu phanh và má phanh: 15.000 - 20.000 km/lần
Má phanh mòn (phía trên) và má phanh mới (phía dưới). Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Phanh là bộ phận sử dụng ma sát, chuyển động năng thành nhiệt năng để giảm tốc độ của xe. Quá trình này gây ra sự mài mòn liên tục lên má phanh. Dầu phanh hoạt động trong một hệ thống kín nhưng thực tế vẫn có thể bị bay hơi qua các khe hở, và do hệ thống ống dẫn giãn nở.
Má phanh mòn không chỉ gây mất an toàn mà còn mài mòn đĩa phanh, gây cong vênh, mất độ bám kể cả khi thay má phanh mới. Dầu phanh cạn hoặc bị cặn bẩn sẽ khiến việc bóp phanh không trơn tru, hỏng pít-tông phanh.
Ngay cả khi bạn cảm giác hệ thống hoạt động tốt, vẫn nên kiểm tra/thay thế các chi tiết này mỗi 15.000 - 20.000 km.
Bảo dưỡng định kỳ: 20.000 km/lần
Ngoài các chi tiết kể trên, xe còn bao gồm nhiều chi tiết khác cần kiểm tra, thay thế như ắc-quy (bình điện), giảm xóc, bát phốt, két nước, v.v... Tương tự như các bộ phận khác, ngay cả khi bạn chưa thấy dấu hiệu gì bất thường, vẫn nên tổng kiểm tra, bảo dưỡng sau mỗi 20.000 km.
Honda Nam Bình niềm tin trọn vẹn của mọi nhà