HOTLINE1900 8090
content

KHÁI NIỆM, CÁCH SỬ DỤNG VÀ NHỮNG LỢI ÍCH CỦA ĐÈN NHẬN DIỆN BAN NGÀY

Honda Việt Nam -

HVN Website – AHO                                                                                                Oct 13th, 2020

 

KHÁI NIỆM, CÁCH SỬ DỤNG VÀ NHỮNG LỢI ÍCH CỦA ĐÈN NHẬN DIỆN BAN NGÀY

 Tại Việt Nam, với nhiều lợi ích hỗ trợ tăng nhận diện cho xe máy và người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông vào ban ngày, đèn nhận diện ban ngày đang dần được các nhà sản xuất trong và ngoài nước trang bị trên các dòng xe mới. Hiện nay, Honda Việt Nam đã trang bị đèn nhận diện ban ngày cho hầu hết cho tất cả các mẫu xe mới sản xuất từ năm 2019 đến nay. Đây sẽ là giải pháp thiết thực góp phần hỗ trợ tính năng an toàn cho xe máy, người điều khiển xe máy cũng như các phương tiện khác khi tham gia giao thông tại Việt Nam trong tương lai.

 1. Đèn nhận diện ban ngày là gì?

Đèn nhận diện ban ngày được dùng phổ biến có 2 loại:

- Đèn chạy ban ngày DRL (Daytime Running Lamp): có thể được đặt ở vị trí tách biệt hoặc chung với cụm đèn chiếu sáng ở trung tâm.

- Đèn chiếu sáng phía trước tự động AHO (Automatic Headlight On): bản chất cũng chính là đèn chiếu sáng phía trước, tự động bật sáng khi động cơ khởi động. Công tắc bật đèn truyền thống nằm bên tay phải của xe sẽ được lược bỏ, chỉ còn công tắc chuyển đổi giữa chế độ đèn chiếu xa/ chiếu gần nằm bên tay trái của xe.

 

2. Những điều cần hiểu đúng về đèn nhận diện ban ngày

a. Không gây chói mắt: Các thiết kế của đèn đã được nhà sản xuất nghiên cứu để không gây loá mắt, khó chịu cho người điều khiển phương tiện đi ngược chiều. Sử dụng đèn nhận diện ban ngày đúng cách - bật chế độ chiếu gần khi đi trong đô thị, chế độ chiếu xa khi đi trên đường trường, đường cao tốc, sẽ không làm chói mắt người điều khiển phương tiện đi ngược chiều.

 

b. Tiêu hao nhiên liệu không đáng kể: Đèn nhận diện ban ngày thường sử dụng công nghệ đèn Halogen hoặc đèn LED, nên chỉ sử dụng một nguồn năng lượng rất nhỏ. Với công suất hoạt động thấp, mức chênh lệch tiêu hao nhiên liệu giữa xe có sử dụng đèn nhận diện ban ngày so với xe không sử dụng đèn nhận diện ban ngày dưới 1%, không đáng kể.

c. Không làm ảnh hưởng đến nền nhiệt môi trường: Đèn nhận diện ban ngày có xu hướng chuyển dần từ đèn Halogen sang đèn LED, vì đèn LED có tuổi thọ cao hơn và hiệu suất năng lượng tốt hơn. Đối với đèn LED, chỉ cần một nguồn năng lượng nhỏ nhưng có thể tạo ra ánh sáng với cường độ lớn dựa trên các diote . Nhiệt độ tại bề mặt đèn từ 27 đến 33 độ C nên không ảnh hưởng nhiều hay tăng nhiệt độ cho môi trường vì mức độ ảnh hưởng tới nền nhiệt độ đô thị gần như không đáng kể.

 

3. Lợi ích của đèn nhận diện ban ngày đối với xe máy và người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông

a. Giúp giảm thiểu tính “dễ tổn thương” khi xảy ra va chạm giữa xe máy với các phương tiện tham gia giao thông khác

Trên đường có nhiều loại phương tiện cùng tham gia giao thông, với đặc thù nhỏ gọn, di chuyển linh hoạt, xe máy và người sử dụng dễ bị tổn thương khi xảy ra va chạm với các phương tiện khác, đặc biệt là ô tô. Khoảng 70% tổng số vụ tai nạn giao thông (TNGT) có liên quan đến người đi xe máy, tỉ lệ người đi xe máy bị thương vong lên đến 90%(1). Các nghiên cứu về an toàn giao thông (ATGT) xe máy tại châu Á cũng cho thấy khoảng 60% các vụ TNGT xe máy xảy ra vào ban ngày và khoảng 80% xảy ra trong điều kiện dòng giao thông hỗn hợp, xe máy đi chung làn đường với ôtô... (2)

Việc người điều khiển các phương tiện khác không nhận ra sự hiện diện của xe máy một cách kịp thời, khiến họ có các hành vi điều khiển xe chủ quan, bất cẩn… cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến nhiều va chạm không đáng có. Hầu hết các vụ tai nạn nói chung và tai nạn xe máy với ô tô nói riêng đều xuất phát từ hai nguyên nhân chính là “nhìn chưa kịp thấy” và “thấy chưa kịp phanh”.

 

b. Tăng khả năng “được nhận diện” của xe máy và người điều khiển phương tiện

Có thể thấy việc “được nhận diện” là yếu tố quan trọng khi tham gia giao thông, đặc biệt là đối với xe máy có kích thước nhỏ, người điều khiển các phương tiện khác có thể không phát hiện kịp thời xe máy trong các tình huống như khi xe đi hướng ngược chiều, đi cùng chiều phía sau, khi di chuyển vào nút giao khuất tầm nhìn, khi chạy trên đường cong gắt có bán kính nhỏ có tầm nhìn hạn chế, khi xe máy di chuyển từ đường ngang ngõ nhỏ ra đường lớn, hoặc tại những khu vực có điều kiện thời tiết xấu như mưa bão, sương mù, trời âm u, bụi mù… Đèn nhận diện ban ngày sẽ giúp xe máy và người lái được nhận diện tốt hơn bởi người điều khiển các phương tiện khác khi cùng tham gia giao thông.

 

c. Hiệu quả của việc sử dụng đèn nhận diện ban ngày qua các khảo sát về tai nạn giao thông

Đèn nhận diện ban ngày vốn đã rất phổ biến và có tính ứng dụng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc, Ấn Độ... Hiện nay, tại Đông Nam Á cũng đã có 4 nước là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines quy định việc bật đèn nhận diện ban ngày khi lưu thông. Những quốc gia này đều có tỷ lệ TNGT xe máy giảm mạnh trong nhiều năm trở lại đây. Tỉ lệ các vụ tai nạn liên quan đến xe máy vào ban ngày ở Mỹ giảm từ 20% đến 25%, ở Úc giảm 16%, tại Malaysia giảm 29% chỉ sau 2 tháng luật sử dụng đèn nhận diện ban ngày đối với xe máy được ban hành vào năm 1992 (3).

Trang bị đèn nhận diện ban ngày trên xe máy được xem là một trong những giải pháp kỹ thuật góp phần cắt giảm từ 15% đến 20% các vụ TNGT liên quan xe máy xảy ra vào ban ngày. Các xe máy không trang bị đèn nhận diện ban ngày gặp tỷ lệ tai nạn cao hơn 2,6 lần so với các xe có sử dụng đèn (4). Điều này một lần nữa khẳng định việc sử dụng đèn nhận diện ban ngày để nâng cao nhận biết về sự hiện diện của xe máy đang di chuyển cho những người lái xe khác là một trong những giải pháp nâng cao an toàn giao thông hiệu quả.

Với ý thức giao thông của người dân phát triển theo hướng cấp tiến và cởi mở hơn trong việc tiếp thu những thay đổi tích cực, việc sử dụng đèn nhận diện ban ngày sẽ được chấp nhận rộng rãi như một giải pháp nâng cao tính an toàn và giảm thiểu tai nạn giao thông cho người điều khiển xe máy. 

(1) (2) (3) (4) Theo nghiên cứu của TS. Vũ Anh Tuấn và ThS. Nguyễn Đinh Vinh Mẫn – Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức.

 
Bình luận: 0 Lượt xem: 3488

Bài liên quan

Xem thêm

Hotline hỗ trợ

Gọi để được tư vấn sản phẩm, dịch vụ

GÓP Ý

Với mong muốn luôn được đồng hành cùng Quý khách hàng, Chúng tôi cam kết không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Nếu Quý khách có bất kỳ ý kiến phản hồi, đóng góp, than phiền hay khiếu nại, xin vui lòng gửi thông tin về cho chúng tôi:

Góp ý ngay
 0 (1)
Tất cả:1122333
Hôm nay:4
Đang truy cập:1